PHẦN MỀM RIP LÀ GÌ? VAI TRÒ CỦA PHẦN MỀM RIP RA SAO?
Trong in ấn nói chung thì việc sử dụng máy móc – thiết bị là cần thiết nhưng để vận hành chuẩn xác nhất ngoài người đứng máy ra thì một yếu tố tiên quyết đó chính là Phần mềm RIP. Vậy phần mềm RIP là gì? Sao nó lại quan trọng và vai trò của nó ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu cùng với Ánh Vàng ngay nhé!
PHẦN MỀM RIP LÀ GÌ?
RIP (Raster Image Processor) là chương trình chuyển đổi dữ liệu đầu vào của hình ảnh, đồ họa từ các định dạng PDF, JPEG, TIFF thành bitmap là định dạng mà các máy in phun có thể hiểu và in được.
RIP gồm 2 loại: Hardware RIP (RIP cứng) và Software RIP (RIP mềm)
HARDWARE RIP (RIP cứng): là loại RIP cũ gồm một cụm phần cứng được thiết kế để tính thông số dữ liệu cho việc tách màu nên tốc độ xử lý của nó cao, nhưng lại khó nâng cấp và giá thành cao.
SOFTWARE RIP (RIP mềm): là một phần mềm như các ứng dụng khác, có thể chạy trên các hệ điều hành MAC OS, WINDOWS,… Mặc dù tốc độ xử lý không cao bằng RIP cứng, nhưng có ưu điểm là dễ nâng cấp, có thể áp dụng được các phần mềm mới trong tương lai.
RIP bao gồm các cấu hình hỗ trợ cho các việc xử lý chu trình in ấn và hình ảnh, như các hàng đợi (Job queue), OPI (Open Prepress Interface), lưu trữ hình ảnh (Image caching),… Các hàng đợi cho phép người dùng gởi dữ liệu đến RIP cùng lúc. Các công việc sẽ được xử lý và đặt vào hàng đợi để chờ ghi (Print queue). Ở đây, ta có thể kiểm soát các dữ liệu công việc ở hàng đợi, chờ xử lý theo thứ tự, hoặc tạm ngưng nếu có vấn đề xảy ra, có thể chỉ thực hiện RIP đối với một bản màu cụ thể (nếu muốn).
CÁC CHỨC NĂNG CHÍNH CỦA RIP:
TRAM HÓA (SCREENING): Đây là chức năng quan trọng nhất của RIP. Quá trình xử lý tram hóa hình ảnh bao gồm chuyển đổi file Postscript hoặc tram hóa các thông tin của File gốc thành các điểm riêng biệt – được ghi bởi các thiết bị ghi. Kích thước điểm này tùy thuộc vào độ phân giải của thiết bị xuất. RIP sẽ gởi các thông tin đến thiết bị qua phần mềm điều khiển được biết như một driver xác định mỗi thiết bị xuất một cách riêng biệt. Ngoài 3 chức năng tạo tram nêu dưới đây, RIP còn có thể tạo các loại tram đặc biệt khác như: như tram cho in ống đồng, tram cho in flexo… – tùy vào nhu cầu người sử dụng.
+ Tram RT (Rational Tagent) – Tram hữu tỉ (kỹ thuật tạo tram với góc lệch tính bằng góc tang hữu tỷ – chỉ tạo được góc lệch tram chính xác ở 0º và 45º, trong khi tách màu góc tram của các màu phải lệch nhau một góc 30º để tránh hiện tượng moiré.
+ Tram Supercell (HQS – High Quality Screening) là loại tram chất lượng cao, tạo được những góc lệch chính xác hơn tram RT – góc 15º và 75º, giảm hẳn hiện tượng Moire khi tách màu.
+ Tram FM (Frequency Modulated) – kỹ thuật tram xuất hiện theo tần suất – tần số thay đổi, kích thước hạt tram không đổi nhưng nằm ở nhiều vị trí khác nhau tùy vào hình ảnh, tạo ra hình ảnh phục chế thật hơn. Tuy nhiên, điều khó khăn của việc dùng tram này là hiện tượng gia tăng tầng thứ cao, bời các hạt tram nằm rải rác sẽ chồng khít và liên tục với nhau. Khác với tram truyền thống – tram AM – Amplitude Modulated – mô tả sự chuyển tông bằng các điểm có khoảng cách bằng nhau nhưng kích thước điểm tram khác nhau.
Trapping – là sự chồng lần nhỏ (overlap) giữa hai vùng màu nhằm tránh hiện tượng lé trắng khi in ấn. Để trapping, người thiết kế có thể trapping bằng tay – sẽ tốn nhiều thời gian khi chọn từng đối tượng muốn trapping và các thuộc tính liên quan. Hoặc sẽ trapping tự động bằng các chương trình ứng dụng, cách này nhanh nhưng đôi khi người thiết kể cần kiểm soát để kết quả không trở nên tồi tệ hơn.
Bình trang điện từ (Imposition) – một chức năng khác của RIP là định vị (nesting) và bình bản (Imposition). Định vị là khả năng sắp xếp nhiều hình ảnh vừa vặn vào một diện tích xác định để tiết kiệm vật tư. Bình bản là khả năng định vị các trang tài liệu vào đúng vị trí theo đúng kỹ thuật in và kỹ thuật thành phẩm sau đó. Hiện nay, các phần mềm bình trang điện tử có thể chạy riêng rẽ trên workstation hoặc là một chức năng của RIP. Để bình trang điện tử trên RIP, thông thường, trang tài liệu sẽ được in ra file .PS hoặc PDF, sau đó các file này được tập hợp và bình vào một trang lớn.
Trước khi quá trình tram hóa diễn ra, RIP cần phải đơn giản hóa tài liệu. Nó sẽ merge tất cả các Layer thông tin – văn bản, hình ảnh, đối tượng, hiệu ứng, v.v. thành một lớp duy nhất – thường sau khi ta thực hiện trapping tự động trên phần mềm. Và sau đó, quá trình tách màu diễn ra, có thể 4 màu cơ bản CMYK, hoặc pantone tùy vào thông tin tài liệu ta sử dụng.
RIP là một thành phần quan trọng trong quá trình in vì nó quyết định màu sắc, hình dạng tram và độ phân giải của sản phẩm in. Chất lượng của phần mềm RIP cũng là một phần quyết định trực tiếp đến chất lượng của đầu ra. RIP đảm bảo tái tạo màu sắc, tiết kiệm thời gian và giảm lãng phí do tái bản nhiều lần.
Nguồn: Giáo trình xử lý ảnh kỹ thuật số – Nguyễn Mạnh Huy
Trên đây là những thông tin nêu rõ về phần mềm RIP là gì? Cũng như vai trò của phần mềm RIP trong in ấn ra sao! Sẽ giúp cho các bạn hiểu hơn về in ấn, khâu thiết kế cũng như cho ra bản in. Ánh Vàng nhà cung cấp các dòng máy in khổ lớn từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… và phần mềm RIP hiện đại, chuyên nghiệp trong in ấn.